Lượt xem: 1493
NGƯỜI THỔI LỬA VÀO BÀI GIẢNG LỊCH SỬ
Nhằm giúp học sinh say mê học môn Lịch sử, một cô giáo trẻ ở Sóc Trăng đã có nhiều tìm tòi, nghiên cứu, mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học để mỗi tiết dạy của cô luôn gây ấn tượng, tạo hứng thú cho học sinh….

         Cô Nguyễn Thị Thiên Ân (32 tuổi), sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở xã Phương Phú (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) nhưng theo học tại trường THPT Mai Thanh Thế (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng). Năm 2007, sau khi tốt nghiệp THPT, cô nữ sinh Thiên Ân nộp đơn thi vào trường Đại học Cần Thơ, chuyên ngành sư phạm Lịch sử. Năm 2011, tốt nghiêp đại học loại xuất sắc, cô lại quyết định chọn ngôi trường cô từng theo học thời THPT “bến đỗ” của mình trong sự ngạc nhiên của nhiều người khi gia đình cô ở tận Phụng Hiệp, cách trường khoảng 20km; một phần cũng bởi Ngã Năm lúc đó là vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, cơ sở vật chất không thể so với các trường ở địa phương khác, đặc biệt với tấm bằng tốt nghiệp loại Xuất sắc cô không khó trong việc chọn trường dạy thuận lợi hơn.

         Cô Thiên Ân giãi bày: “Tôi chọn Ngã Năm làm quê hương thứ hai, gắn với sự nghiệp giáo dục bởi đây là nơi tôi đã được theo học, được thầy cô yêu thương, dạy dỗ tận tâm. Tôi có được thành quả như vậy là nhờ công lao của thầy cô ở đây nên tôi muốn được trở về để đền đáp công ơn, để tiếp bước thầy cô của mình trong sự nghiệp gieo chữ của mình. Cũng có trường ở gần nhà gợi ý nhận tôi về nhưng tôi từ chối vì muốn được “trả nợ”, muốn được gắn bó với trường cũ, với thầy cô cũ mà thôi”.

         Thầy Trần Minh Thương, đồng nghiệp cô Thiên Ân cho biết thêm: “Mỗi ngày cô Thiên Ân phải đi khoảng 30km cả đi và về, còn phải qua phà sang sông nữa, lại thêm mưa, gió, cánh nam giới đã là vất vả nhưng với nữ còn vất vả hơn. Vậy mà cô vẫn đều đặn đến trường, vẫn đạt kết quả cao”.

         Về trường THPT Mai Thanh Thế được 4 năm, đến năm 2015 thành lập trường THPT Ngã Năm, cô lại khăn gói lên đường về trường mới với tâm thế của một người nguyện gắn bó với mảnh đất Ngã Năm, với học sinh Ngã Năm....

         Với nhiệm vụ giảng dạy môn Lịch sử, cô Thiên Ân xác định đây là môn học được học sinh xem là “khô khan, chỉ có những con số,  những sự kiện” nên các em không thích học, không có đam mê. Vì thế, cô đã đề ra cho mình mục tiêu là phải giúp các em ham học, yêu thích môn Lịch sử như lời dạy của Bác Hồ “dân ta phải biết sử ta”. Để bài học sinh động, thiết thực, cô luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo điều kiện cho các em học sinh làm việc, thu thập tài liệu, hình ảnh, các video clip về lịch sử để cho pbaif gảng phong phú, sinh động, có “lửa” hơn nên các em học sinh rất hứng thú học tập môn này. Đặc biệt, từ năm học 2017 – 2018, cô bắt đầu triển khai phương pháp dạy học theo dự án do mình lập ra mang tên “Sóc Trăng quê hương tôi” hình thành từ kinh nghiệm hiểu biết có sẵn của cô, kết nối vào bài học nên đã giúp học sinh bước đầu có thuận lợi khi tìm hiểu bài.

         Cô Thiên Ân cho biết: Tham gia dự án là những học sinh khối 12, được áp dụng cho 2 lớp, mỗi lớp chia ra làm 4 nhóm thực hiện đề tài phóng sự quay clip, trình chiếu, thành viên mỗi nhóm từ 8 đến 10 em. Dự án được bắt đầu khi kết thúc học kì 1 và các em phải hoàn thành trong 3 tuần.

         Các nhóm sẽ đảm trách những địa điểm, di tích lịch sử cấp quốc gia ở Ngã Năm, xoay quanh nội dung như: Tìm hiểu về Căn cứ rừng tràm Mỹ Phước, Tượng đài chiến thắng chi khu Ngã Năm, Quá trình lịch sử hình thành và phát triển cũng như văn hóa lễ hội lớn ở địa phương, các địa chỉ văn hóa của vùng đất Sóc Trăng...

         Cô Thiên Ân chia sẻ: “Thay đổi môi trường học tập linh hoạt nhằm tác động đến hiệu quả môn học, tôi đề ra hệ thống câu hỏi theo từng chủ đề, kèm theo là những tiêu chí đánh giá rõ ràng như: Bài báo cáo phải đảm bảo được số slide để trình chiếu powerpoint, thời lượng thuyết trình, số lượng hình ảnh… Mỗi tuần sau khi các bạn thu thập dữ liệu để thảo luận nhóm, nhóm trưởng trực tiếp báo cáo tiến độ qua email”.

         Cô yêu cầu khi nhóm nhận nhiệm vụ thì các thành viên phải đến tận địa điểm, thu thập thông tin khách quan, chụp ảnh, quay clip. Mỗi sản phẩm báo cáo do chính học sinh chủ động, đóng vai trò dẫn chương trình, phóng viên, hướng dẫn viên tương tác với người dân địa phương cùng thực hiện nêm các em rất hứng thú thực hiện.

         Là trải nghiệm bổ trợ bài học nên các em phải dành nhiều thời gian cho việc đi thực tế, ghi chép, tìm kiếm thông tin, tổng hợp kết quả và thực hiện các khâu hậu cần kĩ thuật hoàn chỉnh, đồng thời trau dồi các kĩ năng hỗ trợ làm việc nhóm, kĩ năng xây dựng chương trình hoạt động, tiếp thu và chia sẻ với mọi người… Trong buổi báo cáo chính thức ở tiết học chính khóa, giáo viên bộ môn sẽ mời Phó hiệu trưởng chuyên môn, Tổ trưởng chuyên môn, các giáo viên môn Địa lý, Giáo dục công dân cùng tham dự đánh giá.

         Thầy Trần Minh Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Ngã Năm cho biếtL: “Dạy học môn Sử theo dự án của cô Thiên Ân đã gặt hái nhiều kết quả tích cực, mang lại triển vọng cho phương pháp dạy học thực tiễn. Các em học sinh nhận thấy môn học Lịch sử thật sự thú vị, từ đó các em yêu thích bộ môn này hơn. Tỉ lệ học sinh của trường thi Tôt nghiệp THPT ở bộ môn Lịch sử luôn có phổ điểm từ trên trung bình cáo hơn tỉ lệ chung cuả tỉnh, của cả nước, đó là minh chứng sinh động nhất cho hiệu quả giảng dạy của cô Thiên Ân”.

         Hàng năm, cô Thiên Ân cũng dành nhiều thời gian chuẩn bị ôn luyện cho học sinh thi THPT quốc gia, từ nhiều nguồn tài liệ, cô xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm theo chủ đề, đưa vào hệ thống câu hỏi theo từng bài, mỗi đơn vị bài có khoảng 45 đến 50 câu tùy theo số tiết. Nội dung vẫn đảm bảo được 4 cấp độ kiến thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, nâng cao.

         Trong quá trình ôn thi, cô chia nhỏ mặt bằng kiến thức theo hướng chia cấp độ làm bài theo năng lực và nguyện vọng nghề nghiệp. Mỗi lớp như vậy sẽ chia thành nhiều nhóm tương ứng trình độ giỏi, khá, trung bình… cách làm này tạo thuận lợi giúp các em ôn bài theo đúng năng lực học tập. Nhằm áp dụng suôn sẻ, mỗi nhóm sẽ nhận bộ đề thực hành khác nhau theo đúng khối lượng kiến thức.

         “Tôi bắt tay soạn những bộ đề riêng biệt giữa 3 nhóm, với các gói câu hỏi được chọn lọc. Mỗi cấp độ từ dễ đến khó, phù hợp cho từng nhóm đối tượng học sinh, các em dễ dàng xác định được trình độ kiến thức mình đến đâu. Tuy nhiên, tôi không cố định mà sẽ luân chuyển cá nhân có tiến bộ bằng những bài thi khảo sát kiểm tra. Qua đó, các em chủ động phấn đấu hơn, học sinh yếu kém cũng không phải loay hoay với các dạng đề khó như trước”, cô Thiên Ân chia sẻ thêm.

         Để có tiết dạy tôt, đạt hiệu quả cao, cô Thiên Ân chú trọng việc soạn giáo án theo định hướng phát triển năng lực học, bao gồm các hoạt động: Tạo tình huống, tiến trình dạy và học, luyện tập và vận dụng. Trong mỗi lớp học, cô sẽ để học trò chủ động phát biểu, hoạt động nhóm tích cực, xây dựng bài, trao đổi vấn đề với thầy cô về những nội dung phản biện.

         Bên cạnh đó, cô Thiên Ân cũng là người “mát tay” trong phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi. Chỉ tính từ khi về trường THPT Ngã Năm đến nay, cô đã có 6 em học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó có 4 giải  Nhì, 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Ngoài ra, cô còn có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt kết quả cấp Sở  như “Một số kỹ thuật giúp học sinh làm tốt bài thi trắc nghiệm khách quan”, “Dạy lịch sử địa phương theo phương pháp dự án”,...

         Em Lê Hồng Nhẫn (học sinh lớp 12, từng đạt giải Nhì môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh) cho biết: “Được học môn Lịch sử của cô Thiên Ân là niềm vui của chúng em. Cô có cách dạy rất ấn tượng, vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật nên học tới đâu nhớ tới đó, rất khó quên. Ai cũng nghĩ môn Lịch sử khô khan, không có sức hấp dẫn nhưng được học với cô Thiên Ân thì ngược lại”.

         Với những thành tích đó, cô Thiên Ân đã nhiều năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh...

         Cô Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngã Năm, nhận xét:“Cô Nguyễn Thị Thiên Ân là giáo viên trẻ, nhiệt huyết, tài hoa, tham gia đầy đủ các phong trào của trường. Cô là người có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, giờ dạy của cô được học sinh, đồng nghiệp đánh giá cao. Nhiều giáo viên ở trường khác khi dự giờ của cô Thiên Ân xong đều nhận xét chưa thấy ai được như vậy. Chất lượng học tập môn Sửhoạchhocj sinh được cải thiện tốt qua các phương pháp nghiên cứu dạy học theo dự án, đổi mới sáng tạo dạy học bằng cách chia nhóm học tập... Trường đánh giá cao về tinh thần cầu tiến của cô qua việc học hỏi từ đồng nghiệp, luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục học sinh đạt kết quả cao trong công tác ôn luyện kì thi THPT quốc gia, thi chọn học sinh giỏi”.

Cô Thiên Ân trong giờ dạy

Cô Thiên Ân hướng dẫn học sinh học bài

Cao Xuân Lương










CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 1620229
Cơ quan chủ quản: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng
                                Địa chỉ: Số 48 Lê Duẩn, phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
              Điện thoại: 02993.616042. Fax: 02993.824074. Email: Vanphong.sosoctrang@moet.edu.vn
             Số điện thoại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính: 02993.616042
             Ghi rõ nguồn "Sở Giáo dục và Đào tạo" khi phát hành lại thông tin từ Website này.